Năm thứ ba liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI còn Đồng Tháp, Vĩnh Long và Bắc Ninh có tiến bộ vượt bậc.
Ngày 5/5, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 dựa trên khảo sát gần 12.500 doanh nghiệp.
Theo đó, Quảng Ninh là tỉnh năm thứ ba liên tiếp đứng đầu xếp hạng với 72,4 điểm, tăng 3 điểm so với PCI 2019. Năm nay, có 8 trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh này tăng điểm, cho thấy sự thay đổi tích cực.
Các vị trí tiếp theo là Đồng Tháp, Vĩnh Long và Bắc Ninh. Đây cũng là 3 tỉnh tiến bộ vượt bậc trong bảng xếp hạng. Trong top 10 còn có Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng.
Nhóm cuối là Lai Châu, Đắk Nông, Bắc Kạn… nhưng theo VCCI, các tỉnh này cũng có những bứt phá so với 2019 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, điểm đáng chú ý của bảng xếp hạng PCI năm nay là điểm trung vị bình quân 65 điểm, cao nhất – trong 15 năm báo cáo này được xây dựng. Khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và cuối đã “co lại”, dấu hiệu thay đổi chất lượng điều hành, năng động, sáng tạo cấp tỉnh.
Trong khi các địa phương ở nhóm thấp vượt lên, thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu, các “ngôi sao cải cách” mấy năm qua vẫn chưa bứt phá đáng kể. Ở điểm này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận xét, đang có hiện tượng “đụng trần” thể chế khi luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên.
Ở một số chỉ số thành phần của PCI, 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy.
Nhưng cải cách trong lĩnh vực đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội… vẫn chưa như kỳ vọng. Chi phí không chính thức giảm liên tục trong 3 năm gần đây nhưng vẫn còn cao, khoảng 53%. Vẫn còn hơn một nửa doanh nghiệp phản ánh phải trả các chi phí không chính thức.
Năm nay, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hoá trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động với lao động, việc làm.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, thế giới sau đại dịch sẽ khác khi các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Lúc này, các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn.
“Chúng ta trong thời cơ vàng để tái khởi động sau dịch bệnh. Các địa phương sẽ có cơ hội đón dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Và cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để làm việc đó”, ông Lộc khẳng định.